– Ông có cảm nhận gì khi nhận được giải thưởng này?
– Thú thật tôi cảm thấy bất ngờ và cảm động khi được đứng cạnh những đạo diễn tên tuổi như Shen Sang Ok (Hàn Quốc), Tạ Tấn (Trung Quốc), Yoji Yamada (Nhật Bản), Lý Hành (Đài Loan) trong buổi lễ nhận giải về những đóng góp xuất sắc cho điện ảnh châu Á do Chủ tịch LHP trao tặng. Có lẽ đó là kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi trong chuyến đi này.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh bên giải thưởng. |
– Khán giả Hàn Quốc và những người tham dự LHP đã đón nhận phim VN ra sao?
– Có hai phim VN được chiếu trong LHP này là Bao giờ cho đến tháng mười và Thương nhớ đồng quê (cùng của đạo diễn Đặng Nhật Minh). Phim làm đã lâu nhưng với khán giả Gwangju thì vẫn mới.
Đây là lần thứ hai tôi sang thăm đất nước Hàn Quốc. Tôi nhận thấy hai nước rất gần gũi nhau về tình cảm, tâm lý và văn hóa. Do vậy, những gì trình bày trong phim của ta không có gì lạ lẫm đối với họ.
– Vài năm gần đây, phim VN có nhiều cơ hội hơn để đi ra bên ngoài giới thiệu với khán giả quốc tế, nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Theo ông, cách nào tốt nhất để đưa phim VN ra thế giới một cách có hiệu quả?
– Vấn đề là chúng ta phải có những bộ phim hay, mang tính nghệ thuật cao. Kỹ thuật yếu một chút cũng không sao, đừng quá nhấn mạnh đến kỹ thuật khi kinh phí làm phim eo hẹp. Ngoài ra phải đẩy mạnh việc quảng cáo, tuyên truyền phim VN rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông quốc tế và khu vực để khán giả yêu điện ảnh các nước có thêm nhiều thông tin tìm hiểu phim VN.
– Thời gian qua vắng bóng trên phim trường VN, ông đang ấp ủ kế hoạch gì?
– Khi chưa có điều kiện làm phim thì tôi viết. Từ khi làm xong phim truyện nhựa Mùa ổi đến nay, tôi đã viết hai kịch bản, được Hãng Phim truyện VN chấp nhận và đệ trình lên hội đồng duyệt kịch bản của Cục Điện ảnh, nhưng cả hai đều bị trục trặc. Không nản, tôi tiếp tục viết kịch bản thứ ba, và hy vọng rồi chúng sẽ không chỉ ở trên giấy.
(Theo Tuổi Trẻ)