Bà N. có chồng và ba con nhỏ, nhưng do bất hòa nên đã ly thân và quyết định xin ly hôn. Ngày 15/12/2000, TAND quận 11 thụ lý vụ kiện và phân công thẩm phán Trần Thị Điệp giải quyết. Ngày 5/2, thẩm phán Điệp ký quyết định “công nhận thuận tình ly hôn” cho vợ chồng bà N. Chưa đầy hai tuần sau, bà N. phát đơn tố cáo thư ký tòa.
Vấn đề “bồi dưỡng” bằng “tình cảm” được ông T. đặt ra khi bà N. không có 2 triệu tiền “quà”. Theo đơn tố cáo, chỉ như vậy ông T. mới cho kết thúc sớm thủ tục ly hôn… Bà N. đã phải “hối lộ” tất cả 5 lần tại khách sạn Kim Anh, số 106 đường Sư Vạn Hạnh (quận 10). Ngày 8/2, sau khi có quyết định “công nhận thuận tình ly hôn”, vị thư ký còn gọi điện thoại cho đương sự đến trả tiền nhậu của mình, đòi “hối lộ” một lần nữa và phải đưa 3 triệu đồng mới giao quyết định của tòa.
Hiệu ứng từ lời tố cáo trên đã gây một sức ép nặng nề lên dư luận. Quyền Chánh án TAND quận 11 cho biết, toàn bộ hồ sơ vụ ly hôn của bà N. đã được tòa án cấp trên rút về để thẩm tra. Lãnh đạo TAND quận 11 cũng đã làm bản tường trình theo yêu cầu, gửi Sở Tư pháp TP. Bà thẩm phán Trần Thị Điệp, được phân công phụ trách vụ ly hôn, từ chối tiếp xúc với báo chí. Riêng với thư ký tòa B.T.T., lãnh đạo đã cho “nghỉ phép năm” để có thời gian làm việc với cơ quan điều tra.
Theo trình tự chung, thẩm phán các cấp đều phải có trình độ, đạo đức và được Chủ tịch nước bổ nhiệm theo từng nhiệm kỳ. Thư ký tòa cũng được tuyển chọn gắt gao và sau thời gian giúp việc sẽ được Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán.
(Theo Thanh Niên, 16/4)