6 loại phí được đề nghị bỏ là phí về sử dụng cơ sở hạ tầng của Nhà nước; y tế dự phòng; đăng ký thuốc và mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; tham gia sinh hoạt câu lạc bộ; kiểm định kỹ thuật, máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và vệ sinh lao động; kiểm nghiệm, thử nghiệm các loại máy móc, thiết bị, phương tiện theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật. 5 loại lệ phí bị loại bỏ gồm: lệ phí cho việc cấp hạn ngạch xuất nhập khẩu các loại động, thực vật nuôi, trồng có nguồn gốc hoang dã; cấp giấy phép lưu thông sản phẩm, hàng hóa; hợp thức hóa giấy tờ, tài liệu; trưng cầu giám định; lệ phí thị trường ngân hàng, lệ phí kho bạc. Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho phù hợp với thực tế, đồng thời sửa đổi lại tên gọi một số loại phí, lệ phí cho chính xác, ngắn gọn, bao quát thuận tiện cho việc quy định và tổ chức thực hiện sau này.
Số lượng phí, lệ phí còn lại vẫn khá lớn, mà theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội, vẫn còn “sự nhầm lẫn giữa phí và giá dịch vụ, cần loại bỏ các loại giá dịch vụ ra khỏi danh mục các loại phí”. Riêng lệ phí khai sinh, kết hôn, khai tử, cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ vì đây là những công việc thuộc chức năng, trách nhiệm của Nhà nước, chỉ nên thu tiền đối với tờ khai hoặc với việc sao y bản chính các giấy tờ theo yêu cầu cụ thể của từng người dân.
Pháp lệnh này được khởi thảo từ năm 1993 nhưng cho đến nay, do tính phức tạp, nhạy cảm mà vẫn chưa được ban hành.
(Theo Tuổi Trẻ, 6/7)