Bị bắt oan, dân tán gia bại sản

df
Ông Nguyễn Văn Lùng sau 10 năm đi tìm công lý.

Năm 1989, gia đình ông Nguyễn Văn Lùng xây một một nhà máy xát gạo tại ấp 3, xã Tân Hưng, Cái Bè, Tiền Giang. Song giữa đường họ hụt vốn nên phải cắn răng đưa ra lãi suất 25-30%/tháng để huy động tiền trong dân. Nhưng lúc nhà máy đi vào hoạt động cũng là lúc dư luận địa phương truyền tin “vợ chồng thằng Lùng vỡ nợ”. Vậy là tất cả 43 người cùng xã, cho ông Lùng vay hơn 135 triệu đồng, đều đưa đơn tố cáo. Công an mời ông Lùng lên huyện, tỉnh, rồi vào nhà tạm giam. Vợ ông, bà Phạm Thị Thiệt, đang nuôi con nhỏ 2 tuổi, cũng bị nhốt 42 ngày. Trong lúc đó, khối tài sản, máy móc của ông Lùng không hề được cơ quan chức năng bảo vệ, đã bị các chủ nợ lao vào xâu xé.
Suốt 16 tháng ăn cơm tù mà không biết mình mắc tội gì, đến ngày 20/12/1990, Nguyễn Văn Lùng được VKSND tỉnh Tiền Giang đình chỉ điều tra và trả tự do. Quyết định của cơ quan kiểm sát ghi: “Xét thấy đây là trường hợp hợp đồng vay mượn và Lùng cũng trả lãi hằng tháng. Số tiền Lùng vay đưa vào việc xây dựng nhà máy xay xát, hơn nữa nhà máy đã đi vào hoạt động. Do đó hành vi của Nguyễn Văn Lùng chưa cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm…”.
Xử theo luật rừng, chủ nợ lãi to
Nguyễn Văn Lùng ra tù và đối mặt với gia cảnh tan hoang. Mất một thời gian, ông điều tra và kê được danh sách 19 chủ nợ đã tự “thu hồi vốn” bằng luật rừng trong lúc vợ chồng ông bị bắt rồi tự làm bảng cân đối gửi lên cơ quan pháp luật yêu cầu xem xét. Các chủ nợ này đã giành nhau từ chiếc máy bơm nước đến áo quần, chăn gối. Thậm chí, nhiều người đã có lời khi xiết nợ như vậy. Chẳng hạn, ông N.V.X., ngụ ở ấp 2, xã Tân Hưng, cho vay 3,2 triệu đồng, đã được ông Lùng trả lãi 870.000 đồng. Khi xiết nợ, ông X. chiếm lấy 1 dynamo phát điện, 1 bình nước nóng, 2 khúc vải, 1 màn, 1 chăn, 9 cái áo…, tổng trị giá tới 17 triệu. Tương tự, ông N.V.L. ở ấp 3 cho vay 2,15 triệu đồng, đã nhận lãi tới 2,08 triệu đồng, nhưng cũng xiết nợ được khối tài sản tới hơn 9,1 triệu đồng.
Theo bản chiết tính của ông Nguyễn Văn Lùng, tổng trị giá tài sản bị 19 người “công nhiên chiếm đoạt” lên đến gần 127,4 triệu đồng, trong khi số tiền ông vay của họ chỉ có hơn 53,9 triệu đồng và đã đóng lãi hơn 21 triệu đồng.
Cơ quan pháp luật đứng về một phía
Thế nhưng, bản chiết tính đó không được cơ quan pháp luật xem xét mà trái lại, tháng 9/1994, Nguyễn Văn Lùng còn phải ra hầu tòa vì đơn kiện của chính những chủ nợ ấy. Cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm ở tỉnh Tiền Giang đều bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn, mà không hề xem xét trách nhiệm của họ trong cơn bão xiết tài sản con nợ theo kiểu luật rừng trước đó. Sau án phúc thẩm ngày 8/5/1996 của TAND tỉnh Tiền Giang, ông Lùng vẫn tiếp tục khiếu nại lên tòa án cấp trên, nhưng không được xem xét thấu đáo.
Bản án buộc ông Lùng trả gần 46 triệu đồng (cho 7 nguyên đơn) và gần 5 triệu đồng án phí phát sinh hiệu lực. Ngôi nhà của vợ chồng Nguyễn Văn Lùng được đưa ra rao bán, và ngày 6/3 vừa qua, người trúng đấu giá đã mua căn nhà với số tiền chưa đến 60 triệu đồng.
Vậy ai phải chịu trách nhiệm về việc buộc một người dân vô tội ngồi tù 16 tháng trời trong lúc tài sản hợp pháp của họ không được niêm phong, quản lý theo luật định? Không ai khác, đó là các cơ quan thực thi pháp luật.
(Theo Thanh Niên)

Close [X]
1gom
1gom