Các bệnh mắt thường gặp ở trẻ em

Tật khúc xạThường gặp là cận thị, viễn thị, loạn thị và chênh lệch khúc xạ giữa hai mắt (mắt cận mắt viễn, hoặc cả hai mắt cùng cận hay cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ, hay một mắt có tật khúc xạ còn mắt kia bình thường). Nhìn chung, mắt có tật khúc xạ là mắt có thị lực kém và trẻ thường biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể nhức đầu, nhức mắt… Trong lớp học, trẻ không nhìn rõ chữ trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và đi khám để có phương hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, cần bảo đảm đầy đủ chế độ vệ sinh học đường cho trẻ về tư thế ngồi học, bàn ghế bảng đen, ánh sáng phòng học, chế độ giải lao vui chơi và dinh dưỡng hợp lý để trẻ không bị cận thị hoặc nếu có những tật khúc xạ bẩm sinh thì không bị nặng hơn.Lác mắtCó tới 4% trẻ sinh ra đã bị lác – hiện tượng lệch trục nhãn cầu, biểu hiện bằng độ lác mắt khi quan sát. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhược thị và rối loạn thị giác. Lác mắt có thể là lác trong (nhãn cầu lệch vào trong), lác ngoài (nhãn cầu bị lệch ra ngoài) hay lác đứng (nhãn cầu lệch lên trên hoặc xuống dưới). Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Đôi khi tật khúc xạ như viễn thị gây ra lác trong. Thị lực kém ở một bên cũng có thể gây ra lác.
Khi mắt bị lác, hai mắt sẽ nhìn theo hai hướng khác nhau và sẽ nhìn thành hai hình. Lúc đó, não sẽ xóa bỏ hình ảnh của mắt lác, ức chế không cho mắt này nhìn và gây ra nhược thị. Vì vậy, người bệnh sẽ mất khả năng nhìn bằng hai mắt đồng thời không có được thị giác hai mắt.Trẻ từ một tháng tuổi trở lên bị lác mắt cần phải coi là nghiêm trọng và đưa đi khám ngay. Điều trị lác mắt có 3 bước liên quan chặt chẽ với nhau là: Điều trị nhược thị, điều trị thẳng trục nhãn cầu để hết lác và điều trị phục hồi thị giác hai mắt. Mắt bị lác thường có tật khúc xạ đi kèm và làm trầm trọng thêm tình trạng nhược thị cũng như các rối loạn thị giác hai mắt. Vì thế, trẻ bị lác mắt nếu có tật khúc xạ đi kèm bắt buộc phải đeo kính.
Điều trị lác mắt càng sớm càng tốt, không những rút ngắn thời gian điều trị, tăng cường hiệu quả điều trị mà còn nâng cao cơ hội phục hồi thị giác hai mắt. Các phương pháp điều trị khác như: Đeo kính, bịt mắt tập chỉnh quang, điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật… được thầy thuốc chỉ định tùy từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, sau khi điều trị khỏi lác mắt, trẻ vẫn cần được theo dõi lâu dài để duy trì kết quả điều trị đã đạt được.Nhược thị và khiếm thịNhược thị là hiện tượng mắt kém ở một hoặc hai bên do các nguyên nhân như lác mắt, do tật khúc xạ hay một số bệnh lý ở mắt. Tuy nhiên, nhược thị có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như được phát hiện sớm và điều trị đúng. Khám mắt định kỳ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện sớm trẻ bị nhược thị. Các phương pháp điều trị nhược thị có thể là đeo kính, bịt mắt lành tập chỉnh quang hay phẫu thuật… tùy theo từng trường hợp.Khiếm thị là tình trạng khiếm khuyết về chức năng của cơ quan thị giác do bệnh mắt bẩm sinh, di truyền hay mắc phải hoặc do chấn thương mắt; không thể điều trị khỏi bằng các phương pháp điều chỉnh khúc xạ, bằng thuốc hay bằng phẫu thuật. Khác với người mù, trẻ khiếm thị vẫn có thể sử dụng phần thị giác còn lại để thực hiện các công việc trong cuộc sống của mình. Phương pháp điều trị đối với trẻ bị khiếm thị là sử dụng các phương tiện trợ thị thích hợp, giúp trẻ tận dụng một cách hữu ích phần thị lực còn lại để hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) Bong võng mạc hay gặp trẻ sinh non, nhẹ cân (dưới 1.600 gam) do sự chưa hoàn thiện của mạch máu võng mạc. Sự phát triển bất bình thường của mạch máu võng mạc dẫn đến co kéo và gây bong võng mạc, dễ dẫn đến mù lòa. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể trẻ sẽ mù vĩnh viễn cả hai mắt. Trẻ càng sinh non, càng nhẹ cân, càng ốm yếu và phải thở oxy cao áp thì càng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Nên khám phát hiện bệnh cho trẻ có nguy cơ ngay sau khi sinh 4 tuần. Điều trị bằng laser quang đông võng mạc hoặc dùng lạnh đông gây sẹo dính để phòng ngừa. Những trường hợp đã bị bong võng mạc thì dù có phẫu thuật, kết quả cũng rất hạn chế. Vì vậy, việc quan trọng nhất là phòng bệnh bằng cách thực hiện tốt chế độ quản lý thai nghén, khám mắt đầy đủ và có hệ thống cho trẻ sinh non.
Đục thể thủy tinh bẩm sinhĐục thể thủy tinh bẩm sinh có thể xảy ra một hoặc cả hai bên mắt. Nguyên nhân có thể là do di truyền, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa hay phối hợp với các bệnh lý toàn thân. Chẩn đoán đục thể thủy tinh nếu thấy mắt không có ánh hồng khi chiếu đèn vào và soi thấy có ánh trắng trong mắt. Phát hiện sớm đục thể thủy tinh bẩm sinh rất quan trọng vì các thương tổn sẽ không hồi phục nếu như không được đều trị ngay từ những tháng đầu tiên trẻ chào đời.Glaucoma bẩm sinhLà một bệnh mắt nặng, dễ dẫn đến mù lòa nếu như không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do củng mạc ở mắt trẻ đàn hồi nhiều nên khi áp lực trong mắt tăng lên thì mắt giãn lồi. Khi đó, giác mạc to hơn bình thường. Khi giác mạc tiếp tục giãn lồi, sẽ xuất hiện nếp gấp, dần dần giác mạc bị phù và đục. Phù giác mạc kèm theo hiện tượng sợ ánh sáng, chảy nước mắt và phù đục giác mạc. Cần gửi trẻ đến bác sĩ mắt khám ngay để phát hiện bệnh. Ung thư võng mạc
Có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, 90% bệnh nhân là trẻ dưới 3 tuổi. Triệu chứng thường gặp nhất là ánh đồng tử trắng (hay dấu hiệu mắt mèo mù) và lác mắt. Cần khám lâm sàng kết hợp với siêu âm, chụp cắt lớp CT để khẳng định. Chỉ định điều trị tùy thuộc vào vị trí, kích thước của khối u cũng như trẻ bị một hay hai mắt. Các phương pháp điều trị bảo tồn hiện có là hóa chất, lạnh đông hoặc laser, tia xạ; hoặc phẫu thuật bỏ nhãn cầu nếu không còn khả năng điều trị bảo tồn. Tiên lượng của bệnh phụ thuộc vào kích thước và sự lan rộng của khối u. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng không những cứu giúp được tính mạng của trẻ mà còn có thể phục hồi chức năng của mắt bị bệnh.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Close [X]
1gom
1gom