Ngày chị về làm dâu, gia đình tôi gặp hồi khánh kiệt. Cha bị bạn hàng lừa gạt, công ty do ông làm giám đốc phá sản. Chúng tôi phải bán hết đồ đạc trong nhà để cha khỏi phải sống cảnh tù tội. Khó khăn là vậy nhưng chị vẫn quyết lấy anh trai tôi. Ban đầu, để cải thiện kinh tế, chị nuôi lợn. Mỗi lần đi học về, tôi xuống phụ giúp, chị xua tay: “Thôi để chị ráng làm, em lo học đi”.
Sáng chị đi may trong xí nghiệp, trưa tranh thủ giờ nghỉ chạy về cho lợn ăn rồi đi làm tiếp. Chiều về chưa kịp nghỉ ngơi lại xắn quần quét dọn chuồng lợn và nấu cơm cho cả nhà. Biết ý cha mẹ tôi, sáng nào chị cũng dậy sớm pha sẵn bình trà rồi mới dọn dẹp nhà cửa. Thỉnh thoảng ngồi nhắc lại thời gian sung túc trước kia, má tôi có vẻ tiếc nuối và trách cha vì cả tin nên gia đình mới khánh kiệt như vậy. Những lúc ấy, chị lại xoa dịu cha mẹ bằng những lời dịu dàng, động viên mọi người gắng vượt qua cơn khốn khó này.
Cha tôi từ ngày gặp chuyện buồn, bạn bè xa lánh, ông chán đời, suốt ngày uống rượu. Chị nhỏ nhẹ khuyên bố chồng. Chiều đi làm về, chị mua lúc thì miếng thịt quay, lúc mấy lạng chả về bồi dưỡng cho cha khiến ông hồng hào, khỏe mạnh. Ông không còn bi quan nữa mà tham gia vào câu lạc bộ những người cao tuổi, siêng năng tập thể thao.
Má tôi vốn nổi tiếng là người khó tính, nhưng từ ngày chị bước chân về làm dâu, bà chẳng bao giờ trách chị một lời. Dường như gia đình tôi không thể thiếu vắng chị. Ngay cả tôi, có chuyện gì cũng muốn san sẻ cùng chị. “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, gia đình tôi sau một thời gian cũng vượt qua khó khăn. Dẫu không ai nói ra nhưng tất cả thành viên trong họ tộc đều thầm biết ơn chị Hai, người đã khéo léo đưa con thuyền gia đình tôi vượt qua sóng gió, cập bến bình yên.
(Theo Phụ Nữ Chủ Nhật)