Tạ Văn Quý, nguyên gốc Hà Tây, vào lập nghiệp ở xã Long Hà, Phước Long, Bình Phước từ năm 1980. Từng qua nghề buôn lậu gỗ, mổ lậu heo… nên Quý mang trong người bản tính hung hãn. Thấy việc trộm cắp mủ cao su ở Nông trường 6 (Công ty Cao su Phú Riềng) ngon ăn, Quý đã kích động nhiều phần tử xấu ở địa phương cũng như anh em công nhân trộm cắp phá hoại. Tuy nhiên, y lại đến gặp cán bộ nông trường, nói rằng chỉ có hắn mới trị được bọn phá hoại ấy. Cực chẳng đã và cũng là để “lấy độc trị độc”, lãnh đạo Nông trường 6 đã ký hợp đồng nhận Quý vào làm bảo vệ, với mức lương theo yêu sách của Quý, tới 15 triệu đồng/tháng. Có quyền trong tay, Quý bắt đầu hạnh họe, thu phạt những người trộm, vận chuyển mủ cao su. Nhiều người bị y đánh đập dã man nhưng đều phải im lặng. Quý còn ngang nhiên chiếm đất của nông trường xây nhà cho con.
Hơn một năm tuyển ông “đầu gấu” làm bảo vệ, lãnh đạo Công ty Cao su Phú Riềng bắt đầu thấy quá tốn kém (bởi riêng năm 1994, Quý hưởng tới 180 triệu đồng tiền lương). Bị bắt chuyển sang chế độ lương thông thường, Quý đòi Nông trường 6 phải nhận hết 7 anh em, con cháu của y vào làm việc, trong đó có kẻ từng mang một tiền án gây rối trật tự công cộng. Yêu cầu này được đáp ứng, nhưng sức ép của gia đình côn đồ với cán bộ nhân viên ở nông trường ngày càng lớn. Trong lúc mọi người mỗi tháng hưởng chưa tới 1 triệu đồng thì riêng gia đình này đã thu về 420 triệu đồng cho thời gian 1995 đến nay.
Ngay sau khi bế mạc đại hội công nhân viên chức hồi đầu năm nay, Quý cùng một người em lôi kéo cả “họ” lên chửi bới các ông Võ Mạnh Sâm (Phó giám đốc Công ty), Đặng Đình Đề (Giám đốc Nông trường 6) và 2 phó giám đốc nông trường khác. Một nhân viên tên Hoa ra can ngăn liền bị con cái Quý vây đánh.
Trước những hành vi ngông cuồng của Quý, lãnh đạo Công ty Cao su Phú Riềng đã yêu cầu đình chỉ công tác với Quý, làm rõ các vụ gây rối của gia đình Quý. Tuy nhiên cho đến nay, tất cả chưa được thi hành.
(Theo CAND)