Điều lệ của các công ty thành lập theo Luật Công ty 1990 không phù hợp với Luật Doanh nghiệp 1999, do đó, đạo luật mới đã buộc các công ty này thay đổi điều lệ. Việc này phải hoàn thành trước ngày 1/1/2002.
Theo quy định tại Điều 15 Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty phải có thêm nội dung sau: quyền và nghĩa vụ của người góp vốn, người đại diện theo pháp luật, thể thức thông qua quyết định của công ty (chứ không phải là quyết định của đại hội cổ đông như Luật Công ty), những trường hợp yêu cầu mua lại cổ phần hoặc góp vốn, thể thức sửa đổi điều lệ công ty… Một số vấn đề trước đây thuộc thẩm quyền của giám đốc, nay được chuyển sang cho chủ tịch hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hay đại hội cổ đông. Thực tế thời gian qua cho thấy không ít nhà đầu tư và quản trị doanh nghiệp chưa nhận biết điều này, nên trong quá trình hoạt động, họ đã có những quyết định không thuộc thẩm quyền, trái với pháp luật.
Bà Mai Thị Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị, cho biết: “Ngay sau khi tiến hành cổ phần hóa, từ một doanh nghiệp nhà nước (tháng 5/1999), đơn vị tôi đã thu được một số kết quả khích lệ. Song đến năm 2000, việc chuyển nhượng cổ phần giữa các thành viên hội đồng quản trị, giữa các cổ đông đã phát sinh mâu thuẫn mà nguyên do bắt nguồn từ quy định không rõ ràng, sơ sài trong điều lệ của công ty. Điều lệ này xây dựng dựa trên quy định nới lỏng của Luật Công ty 1990. Nếu điều lệ quy định chi tiết, rõ ràng như trong Luật Doanh nghiệp thì có thể đã không dẫn tới tranh chấp”.
“Phải thắp đuốc… soi lại trách nhiệm của chính mình”
Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, cho rằng thực trạng các DN “ma”, hiện tượng mua bán hóa đơn trái phép, tuồn hóa đơn ra ngoài… đều bắt nguồn từ sự chậm trễ của các ban ngành chức năng. Ví dụ, các bộ chưa công bố danh mục ngành nghề kinh doanh phải có giấy phép (Chính phủ yêu cầu hoàn thành trong 60 ngày); Trung tâm thông tin DN có nhưng bao giờ hoạt động; chế tài khi DN không làm tròn nghĩa vụ theo quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp… “Chúng ta phải thắp đuốc soi lại… trách nhiệm của chính mình”, ông Thái nói.
Ủng hộ cho quan điểm này, bà Phạm Chi Lan, Phó tổng thư ký VCCI, nói: “Nếu có điều gì xảy ra thì đừng đổ lỗi cho Luật Doanh nghiệp, bởi trước khi có luật này, các hiện tượng trên đã xảy ra rồi. Bây giờ chỉ là việc cùng nhau làm thế nào để thực hiện tốt”.
Cơ quan công quyền phải thay đổi cách nhìn về DN
Bên lề cuộc hội thảo, ông Cao Bá Khoát, Trung tâm Thông tin, Bộ KH&ĐT, đã có cuộc trao đổi với phóng viên VnExpress.
– Nhiều người bàn tới việc thay đổi tư duy trong quản lý kinh doanh, vậy cụ thể là gì?
– Đó là Nhà nước và DN nghĩ về nhau như thế nào. DN là đối tượng quản lý, đối tượng xử lý vi phạm hay DN là người mang lại lợi ích cho xã hội, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Theo tôi, Nhà nước phải coi mình là bà đỡ, nghĩa là phải nâng niu, chăm sóc, chứ không thể hơi một chút thì bóp mũi DN. Mục tiêu quản lý nhà nước cũng là bảo vệ DN, quyền lợi của cộng đồng. Cái gì hỗ trợ cho DN mà không xâm hại xã hội thì phải làm. Đừng ngồi đó bảo DN đến trình cái này, nộp cái kia… Tư duy đó cũ lắm rồi. Mỗi cơ quan hãy hoạch định một chính sách hỗ trợ để DN phát triển hơn. Đừng đặt vấn đề quản lý nặng nề như ngày trước. Bản thân xử phạt DN cũng là hỗ trợ, hỗ trợ các DN làm ăn đúng đắn…
– Vậy công việc tới đây của các cơ quan đăng ký kinh doanh là gì?
– Phải cấp đăng ký kinh doanh và thông báo rộng rãi thông tin “tươi”, chính xác về DN cho xã hội, cho Nhà nước. Các cơ quan này có đủ quyền lực để làm việc này, đó là quyền thu hồi giấy đăng ký kinh doanh với DN vi phạm.
Chúng tôi đang nghiên cứu từng bước thận trọng để quy định cụ thể các hành vi vi phạm. Phải xử lý hai phía: DN vi phạm và công chức vi phạm. Tuy nhiên, xử lý dân thì dễ còn xử lý quan thì khó. Ngoài ra, phải tổ chức lại bộ máy để đảm bảo thực hiện chức năng cung cấp thông tin DN. Cơ quan này nằm ở đâu, hoạt động thế nào… Chúng tôi sẽ báo cáo bộ trưởng các vấn đề này. Tới đây, sau 3 đợt bãi bỏ giấy phép, sẽ công bố rộng rãi danh mục ngành nghề phải có giấy phép. Từ đó dân có cập nhật thông tin để thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình.
– Liệu cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế đã làm hết chức năng, quyền hạn của mình?
– Theo tôi thì chưa, thậm chí họ chưa thực sự muốn bắt tay vào việc đổi mới hoạt động để thực hiện nhiệm vụ của mình với DN. Các bộ vẫn nặng cơ chế xin – cho, lẩn vào văn bản là các loại giấy phép. Làm vậy là để công việc của họ nhẹ nhàng, thuận tiện hơn.
– Vậy họ có trách nhiệm như thế nào trước hiện tượng gian lận hoàn thuế?
– Một người bình thường không thể nghĩ ra việc lừa đảo, ngóc ngách trong hoàn thuế nếu không có sự tiếp tay trong ngành thuế. Chúng ta phải xử lý một cách nghiêm túc, rõ ràng xem bao nhiêu DN lợi dụng vấn đề này, quan hệ của DN với cơ quan quản lý hóa đơn thế nào.
Nghĩa Nhân
Theo dòng sự kiện:
Luật Doanh nghiệp không rõ ràng gây tác hại nghiêm trọng (5/8)Những hình thức tinh vi củng cố cơ chế “xin – cho” (29/7)Tâm lý hoài nghi Luật Doanh nghiệp trỗi dậy (28/7)