Từ hôm qua (20/6), chính phủ Đức đã bắt tay vào thực hiện chủ trương bồi thường cho các nạn nhân của Quốc xã. Bước đầu có khoảng 10.000 người Do Thái, sinh sống ở 25 nước, được nhận tiền. Mỗi người lĩnh một khoản 4.400 USD, trả vào tài khoản cá nhân. Đây là số tiền trích từ quỹ 4,6 tỷ USD mà chính phủ và một số công ty công nghiệp Đức lập ra. 10.000 người khác ở CH Czech, không phải dân Do Thái, được trả bằng séc.
Aron Krell, 73 tuổi, một người lao động cưỡng bức trong hai trại tập trung của phát xít Đức hồi Thế chiến II, cho biết: “Đây đâu phải là tiền bù đắp cho những nỗi đau khổ của chúng tôi, đây chỉ là số tiền thù lao rẻ mạt mà họ trả cho những việc chúng tôi từng bị buộc phải làm”. Aron Krell khẳng định bồi thường lúc này là “quá trễ”, với trị giá “quá thấp”, tuy nhiên, “vấn đề là cuối cùng các công ty Đức cũng thấy được trách nhiệm của mình đối với những gì các nạn nhân đã phải chịu đựng”.
Lâu nay, các doanh nghiệp Đức vẫn ra sức phủ nhận trách nhiệm trong việc sử dụng lao động một cách vô nhân đạo trong Thế chiến II. Họ nói rằng chính họ cũng bị Quốc xã bắt ép phải hành động như vậy. Hiện có khoảng 1,5 triệu người, trong đó có 160.000 người Do Thái, cần được bồi thường. Theo Hội nghị khiếu nại, những người bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức hoặc khu Do Thái cần được đền bù với mức 6.600 USD/người, còn ai bị ép phải làm việc không công trong các nhà máy của Quốc xã lĩnh 2.200 USD.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, Dieter Kastrup, phát biểu: “Chúng ta phải làm mọi cách để đảm bảo rằng lịch sử bi thương sẽ không bao giờ lặp lại”.
Đoan Trang (theo BBC, AP, 20/6)