Ivanisevic và chiếc Cup vô địch. |
Có nhiều cái “chưa từng có” trong giải đơn nam Wimbledon 2001. Lần đầu tiên tất cả các trận bán kết và chung kết đều phải đấu tới 5 set. Một trận bán kết kéo dài tới 3 ngày – cũng là một kỷ lục. Cũng chưa bao giờ một đấu thủ hưởng quyền wild card (được mời ưu tiên vì có thành tích cũ, vì được ban tổ chức và khán giả yêu mến đặc biệt, nhưng không nằm trong bảng xếp hạng đủ tiêu chuẩn hiện nay) lại vào tới chung kết, và hơn thế – lại còn giành cả chức vô địch. Cũng lần đầu tiên, trận chung kết đơn nam phải diễn ra không vào ngày chủ nhật như suốt 79 năm qua, mà vào thứ hai, vì lý do bất khả kháng – mưa. Và một kỷ lục nữa là số game trong set quyết định (thứ 5) của trận chung kết lên tới 16. Trước đó, con số lớn nhất 14 game trong set cuối được ghi nhận trong trận chung kết năm 1980 giữa Bjorn Borg và John Mc Enroe.
Kéo dài tới 3 tiếng, trận chung kết (6-3, 3-6, 6-3, 2-6, 9-7) được coi là một trong những cuộc đọ sức vĩ đại nhất trong lịch sử hệ thống giải Grand Slam. Khán giả đông chưa từng thấy tại Wimbledon đã được chứng kiến một trận đấu thoả lòng mong đợi.
Phần lớn thế giới đã ủng hộ Ivanisevic, người lẽ ra không được quyền có mặt tại giải đấu này, bởi vì anh là cây vợt thứ 125 trong bảng xếp hạng ATP, mà giải Grand Slam thì chỉ tuyển thẳng 96 đấu thủ xếp thứ cao nhất. “Hiệp sĩ” 29 tuổi này chưa hề giành được một danh hiệu nào thực sự lớn trong cuộc đời quần vợt của mình, mặc dù bao giờ cũng rất gần với chiến thắng – đó chính là cảm giác cay đắng nhất mà một đấu thủ tầm cỡ có thể có khi đến ngày phải rời vũ đài. Sự nghiệp thi đấu của Ivanisevic không những đã gần kết thúc, mà thậm chí có nhiều người còn coi là nó đã kết thúc rồi. Chiến thắng phi thường của anh diễn ra tựa như theo quy luật của một câu chuyện cổ tích có hậu hơn là đời thực.
Ivanisevic tăng tốc ngay từ set đầu tiên, hoàn toàn tự tin trong các cú phát bóng, thể hiện sự tập trung cao độ và chính xác ở từng đường bóng, và anh thắng set này 6-3. Song, Rafter cũng biết cần phải làm gì. Anh giành chiến thắng trước đối thủ ở set thứ hai với tỷ số và phong độ đúng như đối thủ đã thể hiện ở set trước, và san bằng tỷ số set 1-1. Set thứ 3, Ivanisevic lại thắng một cách tự tin với tỷ số 6-3, mặc dù đã có lúc anh phải nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ vì chấn thương vai trái.
Diễn biết tương tự không được tiếp tục ở set thứ 4 chỉ vì tình trạng tâm lý của tay vợt Croatia. Ở tỷ số game 2-3, đang dẫn 40-30, Ivanisevic bị tính lỗi đúp giao bóng, theo anh, vì trọng tài đã thiên vị (hai lần bóng đều chạm phần ngoài vạch – có thể tính “trong” hay “ngoài” đều được). Vốn đã căng thẳng như một sợi dây đàn, Ivanisevic đứt tung: vợt bay xuống sân, chân đá tung lưới, cuộc đôi co với trọng tài diễn ra khá lâu… Chẳng có gì ngạc nhiên khi Ivanisevic buông xuôi một game giao bóng nữa – 2-6 và tỷ số set lại bằng nhau 2-2. Cũng không thể phủ nhận là trong set này Rafter đã thể hiện các quả phát bóng đầy uy lực để cân bằng thế trận.
Căng thẳng lên tới tột đỉnh ở set thứ năm, kéo dài đúng một giờ, tức bằng một phần ba thời gian cả trận đấu. Hai diễn viên và tất cả khán giả đều hiểu rằng nó sẽ kết thúc khi có người đầu tiên phá được game đối phương giao bóng (break). Nhưng vì cả Rafter và Ivanisevic đều được trời ban cho quả giao bóng mạnh khủng khiếp, và vì Wimbledon chơi trên sân cỏ (bóng nảy nhanh), nên cơ hội break point của hai bên đều rất hiếm hoi cho đến tỷ số game 5-5. Sau đó, mỗi game đều diễn ra với lợi thế của bên đỡ giao bóng. Ở tỷ số 7-7, Rafter trong game giao bóng của mình đã phạm những lỗi không thể cứu vãn được và để thua. Dẫn 8-7 trước game giao bóng của mình, trong suốt đoạn nghỉ giải lao một phút rưỡi, Ivanisevic trùm khăn lên kín mặt… Tiếp đó là hiệp đấu cuối cùng của Wimbledon 2001…
Khi chỉ còn lại cú giao bóng có thể là cuối cùng (match point), Goran Ivanisevic, vốn đầy bản lĩnh, đã không giữ được bình tĩnh và bật khóc. Vì thế anh đã giao bóng hỏng hai lỗi, để hoà điểm. Lại phải thắng một điểm nữa để được match point thứ hai… và lại để hỏng. Cứ thế lặp lại 3 lần, trước khi đến lần cuối cùng, dường như dốc hết tàn lực để giành được chiến thắng, sau cú đỡ bóng không qua lưới của đối thủ… Và Goran úp mặt xuống sân cỏ khóc nức nở như đứa trẻ.
Mười phút sau Ivanisevic mới có thể nói được thành lời những điều sau đây cho cả thế giới: “Đừng đánh thức tôi. Xin đừng nói là một lần nữa tôi lại thua trận rồi… Chẳng nhẽ đây là thật chứ không phải đang trong mơ? Đây chính là điều tôi ao ước cả cuộc đời! Xin cảm ơn tất cả. Cảm ơn ban tổ chức vì wild card mà từ đó mọi thứ đã bắt đầu. Cảm ơn cha tôi đã hồi hộp căng thẳng vì tôi đến nỗi tôi phải lo lắng về tim của ông… Tôi dâng tặng chiến thắng này cho bạn tôi, Drazhan Petrovic (cầu thủ bóng rổ rất nổi tiếng của Nam Tư, đã chết vì tai nạn xe hơn năm 1993), sau khi anh ấy chết, tôi đã hứa với anh ấy là sẽ chiến thắng Wimbledon. Drazhan có thấy không, đây không chỉ là chiến thắng của tôi, mà còn là của cậu đấy!”.
“Tôi muôn thuở là người thứ hai. Mọi người đánh giá cao tôi, nhưng vị trí thứ hai không đủ. Nhưng bây giờ, tôi đã vô địch Wimbledon, cho dù trong cuộc đời của mình, tôi có làm gì đi nữa thì tôi vẫn cứ là nhà vô địch Wimbledon”.
Cho dù thất bại lần thứ hai liên tiếp tại chung kết Wimbledon, Rafter vẫn nói: “Trong các cuộc thi đấu thể thao, bao giờ chẳng có người thắng, người thua và lần này kẻ không hạnh phúc chính là tôi”.
“Không khí ở đây thật tuyệt vời, có rất nhiều các CĐV. Tôi nghĩ rằng sẽ còn khoảng 100.000 hay 150.000 người nữa đang chờ đợi ở Split khi tôi trở về vào ngày mai”, Ivanisevic nói.
Với số tiền thưởng 500.000 bảng Anh, Goran nói rằng anh sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định sẽ làm gì. “Tôi đã muốn một chiếc ôtô mới hay một chiếc thuyền, nhưng từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ có được một khoảng tiền xứng đáng. Tôi nghĩ rằng có thể tôi sẽ mua một cái gì đặc biệt để luôn nhớ về chiến thắng hôm nay”.
Đức Thắng