Chuẩn bị ra tòa, tướng lĩnh Khmer Đỏ bắt đầu… run

20 năm sau khi chế độ cai trị hà khắc và dã man của Khmer Đỏ kết thúc trên đất Campuchia, lãnh đạo phái này vẫn giữ thái độ không hối hận. Nhưng nay, những vết nứt lớn đang ngày càng rộng thêm trong hàng ngũ lãnh đạo của Khmer Đỏ và trong suy nghĩ của chính bản thân họ. Lần đầu tiên, dư luận được thấy nỗi sợ hãi của các tướng lĩnh Khmer Đỏ khi sắp phải ra trước công lý để trả lời về cái chết của 1,7 triệu người trong thời gian từ năm 1975 đến năm 1979.
Lời chối tội gần đây nhất là của Khieu Samphon. Ông ta từ chối bình luận về vai trò của mình dưới thời Pol Pot, để “tránh đâm dao vào vết thương cũ”. Theo Khieu Samphon, khi còn là lãnh đạo cao cấp của Khmer Đỏ, ông ta không được biết gì về các kế hoạch giết chóc của phái này, chúng bị che giấu một cách cố ý. Với những người đã mất thân nhân, Khieu Samphon viết trong một lá thư ngỏ: “Tôi cầu xin được tha thứ. Tôi có lỗi vì đã mù điếc, không nắm được tình hình thực tế”.
Thủ tướng Hun Sen gọi những câu ngụy biện đó là “đáng nực cười”. Yimsut Ranachith, một người sống sót dưới thời Khmer Đỏ, nay ngụ tại Mỹ, thì viết trong một lá thư ngỏ được Diễn đàn NGO của Campuchia công bố: “Tôi hy vọng ông, người chẳng biết gì cả, có thể giải thích đôi điều xem tại sao cha mẹ, anh em tôi và vô số người vô tội khác phải chết đau đớn sau nhiều năm bị hành hạ một cách dã man”.
Youk Chhang, nhân viên Trung tâm Lưu trữ Campuchia, cũng nói rằng lý lẽ của Khieu Samphon thật là kỳ quặc, bởi ông ta từng là một thành viên trong ủy ban hoạch định chính sách nhà nước của Campuchia dưới thời Khmer Đỏ. Đây là một ủy ban hoạt động rất mạnh, lẽ nào Khieu Samphon lại không được biết về sự tàn bạo xảy ra dưới trướng mình. Youk Chhang nói: “Việc ông ta phủ nhận tội lỗi càng cho thấy rõ là ông ta đang tự buộc tội mình”.
“Anh hai” Nuon Chea, thành viên của ủy ban hoạch định chính sách nọ, cũng ra sức phủ nhận tội lỗi, nói rằng các chính sách của Khmer Đỏ không nhằm để giết người mà để mang lại cho họ cái ăn.
Ieng Sary thì kêu rằng lệnh ân xá đã cho phép ông ta thoát khỏi truy tố. Ieng Sary và Pol Pot cùng bị một tòa án Campuchia tuyên án tử hình vắng mặt vì tội diệt chủng, tháng 8/1979. Nhưng đến năm 1996, Ieng Sary được ân xá theo đề nghị của chính phủ với du kích Khmer Đỏ, đổi lấy hòa bình lâu dài cho đất nước. Khuôn khổ pháp lý hiện tại đã làm cho lệnh ân xá trở nên không còn thích hợp. Cho dù ông ta không bị buộc tội diệt chủng thì theo các chuyên gia về luật, Ieng Sary vẫn có thể bị truy tố với tội danh “hành động mất nhân tính chống lại con người”. Dư luận đang sợ rằng ông ta sẽ bỏ trốn ra nước ngoài chứ không chịu ra tòa.
Ta Mok, vẫn trung thành kể cả sau khi Pol Pot chết (tháng 4/1998), đang sống qua ngày trong một nhà lao ở Phnom Penh cùng với Kang Kek Ieu (nguyên quản giáo nhà tù S-21, một trung tâm chuyên tra tấn và giết người). Cả hai đều thông báo qua luật sư rằng họ sẽ làm nhân chứng buộc tội các lãnh đạo cấp cao hơn trong hàng ngũ Khmer Đỏ.
Đoan Trang (theo AFP)
Theo dòng sự kiện:
Quốc vương Campuchia thông qua Luật Xét xử Khmer Đỏ (11/8)Cựu quản giáo nhà tù S-21 của Khmer mong sớm hầu toà (8/8)Xét xử Khmer Đỏ – niềm mong ước, vấn đề gây chia rẽ Campuchia (7/8)Ông Hun Sen không nhượng bộ LHQ về việc xét xử Khmer Đỏ (31/7)Thượng viện Campuchia thông qua Luật Xét xử Khmer Đỏ (23/7)Quốc vương Sihanouk sẽ đứng ngoài vụ xét xử Khmer Đỏ (13/7)QH Campuchia thông qua luật xét xử Khmer Đỏ (11/7)Khmer Đỏ sẽ hầu toà cuối năm nay (23/6)

Close [X]
1gom
1gom