Một tác phẩm của Bùi Thế Trung Nam. |
Năm 2001, Bùi Thế Trung Nam là người Việt Nam đầu tiên nhận học bổng theo học môn nhiếp ảnh tại Trường Nhiếp ảnh Quốc gia Pháp (Ecole Nationale Superieure la Photographie). Sau ba năm, anh tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ về nhiếp ảnh ở tuổi 26. Cùng lưu lạc nước Pháp như bao người đồng hương khác, Trung Nam muốn phản ánh tâm tư, tình cảm của họ và quyết định thực hiện ngay những bức ảnh này như là bài thực tập cho mình.
Với bộ sưu tập hơn 30 bức ảnh mang tên Nỗi niềm xa xứ, người xem có cảm giác như vừa nhận được thư người thân từ nước ngoài gửi về cách đây mười mấy năm trước. Bên cạnh những tấm ảnh chụp lưu niệm là những dòng tâm sự về cuộc sống “bên đó”. Những dòng chữ chú thích dưới ảnh gợi nhớ về quê nhà với biết bao kỷ niệm.
Chọn màu đen trắng để chụp, Trung Nam không muốn nói về thời gian thực hiện các bức ảnh vì nếu chụp màu, người xem sẽ đoán được thời gian chụp là vào đầu những năm 90, khi ảnh màu bắt đầu phổ biến. Anh muốn 10 năm sau khi xem khán giả vẫn thấy những tấm hình này không hề thay đổi.
Tác phẩm “Bốn chị em gái” của Bùi Thế Trung Nam. |
Trong các tác phẩm, Nam rất thích bức chụp Bốn chị em gái, vì theo anh, nó thể hiện được truyền thống, tình cảm gắn bó của người Việt. “Bốn người này khi mới đến Hà Lan họ sống mỗi người một nơi nhưng sau đó quyết tâm sum họp lại”, Nam kể. Phần lớn những bức ảnh trong loạt ảnh này nằm trong tập sách ảnh mà anh đã hoàn thành năm 2004 tại Pháp mang tên Racines (Cội rễ).
Sinh năm 1978, tại TP HCM, Bùi Thế Trung Nam đang là người phụ trách về hình ảnh tại Trung tâm hình ảnh, thuộc Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) với Phòng Hợp tác và Hoạt động Văn hóa của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP HCM. Bằng những tác phẩm chân thực, Bùi Thế Trung Nam khơi gợi được sự cảm thông, gây xúc động cho người xem theo một cách thức thật nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.
Một người bạn thân của anh khi xem các bức ảnh đã nói: “Hình ảnh của Nam giống như một sự nhắc nhở về quá khứ để rồi người xem lật giở lại từng kỷ niệm với bao ký ức về những “người thân” tràn về… Bất giác, chúng ta chợt nhận ra cái tình cảm thân quen, ruột rà, máu mủ, mà đôi khi toát lên từ trên những khuôn mặt không còn thuần nét Việt Nam nữa”.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 24/9.
T.P.