Dubravka Ugresic –
Dubravka Ugresic sinh năm 1949 ở Liên bang Nam Tư. Hiện bà sống tại Amsterdam (Hà Lan). Bà là giảng viên của nhiều trường đại học ở châu Âu và Mỹ, là tác giả của nhiều tập tiểu luận nổi tiếng. Bà từng đoạt giải “Charles Veillon” European Essay (Thụy Sĩ), Versetsprijs (Áo), Sudwestfunk và Heinrich Mann (Đức). Dưới đây là bài viết của bà về đời sống văn học hiện nay. |
Vậy nhà văn phải làm gì? Nhà văn nào không chấp nhận quy luật thị trường đơn giản sẽ bị tiêu vong. Độc giả nào không chấp nhận những gì mà thị trường mời mọc, sẽ phải chịu đói sách, hoặc buộc phải đọc lại những cuốn sách mình đã đọc rồi. Nhà văn và độc giả – những kẻ mà vì nó văn học tồn tại – ngày nay đang sống một cuộc đời chìm nổi. Thị trường văn học bị chi phối bởi những nhà sản xuất sách, nhưng việc sản xuất sách không hoàn toàn đồng nghĩa với sản xuất ra văn học.
Với tư cách một độc giả, tôi mong đợi nhà văn của riêng mình. Tôi chọn sách thông qua những lời giới thiệu hấp dẫn, nhưng chỉ một số ít thỏa mãn được thị hiếu đọc của tôi. Hiệu sách ngày càng giống những siêu thị bóng lộn: sản phẩm trông có vẻ chất lượng cao, nhưng hương vị thì thật đáng thất vọng. Giống như rau quả bị hy sinh chất lượng, đánh mất hương vị riêng để có một vẻ ngoài bắt mắt, cùng với thời gian, sách hay lẫn dở, đều bị biến đổi thành thứ văn chương thời thượng.
Với tư cách một nhà văn, tôi mong đợi độc giả của riêng mình.
Một vài năm trước, tôi nhận được một bức thư gửi từ Guatemala:
“Tôi nghỉ cuối tuần ở khách sạn Princess, Guatemala. Tôi thích khách sạn này hơn khách sạn Plaza las Americas, nơi những người mới phất ở Guatemala thường tụ họp. Khách sạn Princess bài trí theo phong cách Anh: ánh sáng dịu, tường ốp gỗ panen sẫm màu, mọi thứ đều có vẻ mịn màng và mềm mại. Tôi ngồi ở tiền sảnh. ở bàn bên có hai người đàn ông trẻ. Họ có vẻ là thương gia: áo sơmi trắng, đeo cavat, và đúng kiểu Mỹ, họ nói chuyện ầm ĩ. Tôi vô cùng kinh ngạc khi nhận ra rằng họ không nói về những chiến lược kinh doanh để nắm thị phần ở Guatemala, mà là về văn học. Những gì tôi muốn nói với chị lúc này, chắc chắn là chị không tin, nhưng họ đã nhắc đến tên chị, một cách cực kỳ trìu mến”.
Anh bạn sống ở Guatemala của tôi viết vậy. Tất nhiên, tôi không tin, nhưng bức thư của anh cũng làm tôi thích thú, trong mấy ngày liền. Tôi tưởng tượng ra phong cảnh Guatemala tuyệt đẹp (cho dù tôi chưa từng đến đó). Trên cái nền đó nổi bật lên hai độc giả hâm mộ của tôi, mặc áo sơmi trắng, đang trò chuyện về cuốn sách của tôi một cách cực kỳ trìu mến.
Tình cờ, mới đây, tôi được biết rằng, thợ quấn xì gà là những người đọc sách nhiều nhất ở Cuba. Quấn xì gà bằng tay, hiển nhiên, là một công việc nặng nhọc và buồn tẻ. Trên những chiếc ghế dài như ghế học sinh, thợ quấn xì gà ngồi đằng đẵng cả ngày để quấn lá thuốc. Nhưng ở Cuba có phong tục thuê người đọc sách. Những người này thường ngồi trên bậc thềm cao, cầm một cái micro trên tay và đọc sách. Thợ xì gà vừa quấn thuốc vừa nghe.
Tôi tưởng tượng một xưởng xì gà ngột ngạt, hầm hập hơi nóng nhiệt đới, tiếng ruồi kêu vo vo, đôi lông mày đẫm mồ hôi của những người thợ ngái ngủ, vừa quấn xì gà vừa uống từng lời phát ra từ chiếc micro. Thợ quấn xì gà lắng nghe những tác phẩm văn chương. Mỗi điếu xì gà thấm đẫm mồ hôi, cùng với nhịp điệu của dòng từ ngữ đang tuôn ra từ chiếc micro và vang vọng trong đầu các thính giả.
Các thính giả Cuba, trong tưởng tượng của tôi, không hề thụ động. Trái lại, trong nhiều năm làm nghề này, họ đã được nghe những trang viết đặc sắc nhất của văn chương thế giới, thị hiếu văn chương của họ vì vậy sắc như dao, họ dị ứng với mỗi từ không chuẩn, với từng chú thích sai. Và nếu như không thích thú những gì đang nghe, họ bộc lộ sự thất vọng của mình một cách ầm ĩ và ném túi bụi những điếu xì gà nặng trịch vào người đọc đáng thương.
Người ta nói rằng, giá của loại xì gà Cuba ngon nhất khoảng chừng bốn trăm đôla. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ tăng giá lên gấp hơn ba lần. Vì nếu như những thợ quấn xì gà Cuba lành nghề nhất đã được nghe toàn bộ nền văn chương thế giới trong suốt cuộc đời lao động của mình, thì điếu xì gà do họ làm – có lẽ, cũng chẳng khác gì được chính tay George Steiner (giáo sư, nhà phê bình văn học, nhà triết học nổi tiếng người Đức) làm nên vậy.
(Nguồn: CAND)