Tại sao phải ăn kiêng khi dùng Đông dược?

f
Nên tránh đậu xanh khi dùng Đông dược.

Khác với các chế phẩm tân dược, thuốc Đông y có nguồn gốc từ thiên nhiên phong phú. Mỗi vị thuốc được đặc trưng bởi tính và vị. Tính là tứ khí: hàn, lương, ôn, nhiệt, chỉ mức độ nóng, lạnh khác nhau của vị thuốc. Còn vị có ngũ vị (5 vị cơ bản): cay, chua, ngọt, đắng, mặn (ngoài ra còn có vị nhạt và vị chát). Tính và vị của thuốc có quan hệ một cách hữu cơ với nhau, không thể tách rời, tồn tại một cách khách quan như tự nhiên đã sinh ra nó. Mỗi vị thuốc lại có những khuynh hướng tác dụng khác nhau: có vị chủ thăng đi lên, có vị chủ giáng đi xuống, chủ phù hướng ra phía ngoài, chủ trầm đi vào phía bên trong. Từ đó mà tạo ra công năng chữa bệnh của từng dược liệu.
Khi được uống vào cơ thể, thuốc phát huy tác dụng nhờ sự quy nạp khí vị tinh hoa (hoạt chất) vào các tạng phủ, kinh mạch nhất định. Sự quy kinh ấy giống như sự phân bố các dược chất đến các cơ quan đích trong y học hiện đại. Những tác động liên quan đến quá trình này đều ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc, nhất là chế độ ăn uống, kiêng khem, cách thức uống thuốc…
Một số điều kiêng kỵ khi dùng thuốc Đông y
Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cần tránh ăn một số thực phẩm mang tính đối lập với chiều hướng của thuốc:
Khi dùng các thuốc thanh nhiệt, giải độc để điều trị các chứng dị ứng, nên tránh ăn các loại hải sản như cua, cá biển, sò, ngao…, nhộng, lòng trắng trứng (albumin). Đây là những protein lạ sẽ làm tăng thêm nguy cơ dị ứng. Đông y khuyên khi dùng thuốc có kinh giới để chữa phong ngứa thì không nên ăn thịt gà vì thịt gà, nhất là da gà dễ gây phong ngứa.
Chẳng hạn, khi dùng thuốc thanh nhiệt an thần, nếu bạn ăn các chất mang tính kích thích có vị cay, nóng (như rượu, ớt, hạt tiêu, thịt chó) thì chúng sẽ làm cho tà nhiệt nặng thêm.
Khi dùng các thuốc giải cảm, cần kiêng ăn các chất chua mặn vì thuốc có tính chất phát tán, phát hãn mà vị chua mặn lại có tác dụng thu liễm, ngược chiều tác dụng của thuốc.
Thuốc ôn lý, trừ hàn, thuốc tân ôn giải biểu mang lại sự ấm áp cho cơ thể, không nên ăn các thức ăn tanh, lạnh như cua, ốc, thịt trâu, ba ba, rau sống, rau giền, mùng tơi… vì những thức này làm cho hàn tà khó giải.
Thuốc kích thích tiêu hóa, bổ dạ dày, kiện tỳ, tiêu thực (đặc biệt là các thuốc chữa bệnh cam trẻ em) cần kiêng ăn các chất dầu mỡ, khó tiêu. Những thức ăn này gây nê trệ, làm cho sự hấp thu của hệ tràng vị vốn đã kém lại càng khó khăn hơn.
Thuốc có mật ong thì không nên ăn hành bởi hành làm mất mùi thơm, vị ngọt của thuốc, hạn chế tác dụng nhuận bổ của mật ong và có những tương tác bất lợi. Hành giã nát trộn với mật ong chỉ được dùng ngoài trị bệnh viêm da có mủ.
Những thuốc thanh phế trừ đờm khi dùng không nên ăn chuối tiêu vì dễ gây rối loạn tiêu hóa. Khi uống các thuốc bổ, không nên ăn các chất lợi tiểu như cải bẹ.
Trong thời gian uống thuốc, không nên uống nước chè hoặc sữa bởi dịch sắc thuốc bao gồm các chất có thành phần hóa học khác nhau, thường gặp là glycosid, alcaloid, đường, tinh bột, acid hữu cơ, flavonoid, các chất gôm, nhựa, pectin, các tinh dầu chứa nhân thơm, tanin và một số muối vô cơ khác. Khi dùng chung nước chè và sữa, chúng dễ tạo ra các phức hợp gây cản trở cho việc hấp thu, ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc.
Tuy nhiên, việc kiêng kỵ cũng chỉ là tương đối, không nên thái quá. Cần chú ý bảo đảm đủ chất cho cơ thể, đừng quên rằng chế độ dinh dưỡng cũng góp phần quan trọng phục hồi sức khỏe.
DS Phạm Hinh, Sức Khỏe & Đời Sống

Close [X]
1gom
1gom