Mặc dù quá trình thảo luận lâu dài đã đạt một số bước đột phá, nhưng Bắc Kinh và Washington vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, đặc biệt là về vấn đề trợ cấp cho nông nghiệp. Vòng đàm phán đa phương cuối cùng, bàn về phạm vi và mức độ Trung Quốc hỗ trợ nông dân, kết thúc hồi tháng giêng trong thế bế tắc.
Washington cho rằng có thể xếp Trung Quốc vào nhóm nước phát triển, nghĩa là chính phủ nước này chỉ được phép trợ cấp tối đa 5% tổng trị giá nông sản. Nhưng Bắc Kinh lại khẳng định tỷ lệ ấy phải là 10%; họ có quyền làm thế, trên cương vị một nước đang phát triển. Chính quyền Trung Quốc coi hỗ trợ nông dân là một biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu quan trọng cần thực thi trong năm nay.
Giới phân tích cho rằng để có được thỏa thuận về vấn đề này, cả hai phía đều cần nhượng bộ. Không khí cuộc gặp ngày mai có thể không đến nỗi “nguội lạnh”, nhờ trước đó Tổng thống Mỹ George Bush đã đề nghị Quốc hội gia hạn quy chế thương mại bình thường với Trung Quốc. Dù sao, theo ông Supachai Panitchpakdi, người sắp trở thành chủ tịch WTO, George Bush lên thay Bill Clinton cũng có nghĩa là Washington và Bắc Kinh cần có thêm thời gian để hiểu nhau.
Cho dù các bất đồng có được giải quyết thì WTO vẫn sẽ phải dự thảo một nghị định thư về sự gia nhập của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, công đoạn này sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng và do đó, lùi việc Trung Quốc vào WTO sang năm sau. Ngoài ra, ông Panitchpakdi cho rằng, khâu chuẩn bị cho một vòng đàm phán toàn cầu của WTO vào tháng 11 cũng sẽ làm chậm tiến trình Trung Quốc gia nhập tổ chức này.
Cũng tại Thượng Hải, bộ trưởng thương mại của các thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sẽ gặp nhau tại một hội nghị tổ chức vào thứ tư tới.
Đoan Trang