Nội dung của “hậu kiểm” ở Mục 2, chương III là: chủ hàng tự kê khai hàng hóa, tự xác định thuế suất, giá tính thuế và số tiền thuế phải nộp, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai hải quan. Hải quan dựa vào đó làm thủ tục giải phóng hàng và chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu không trung thực, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, hải quan cơ sở có quyền trực tiếp quyết định không kiểm tra, kiểm tra một phần hay toàn bộ hàng xuất khẩu.
Đơn giản hóa việc kiểm tra hàng hóa
Theo Pháp lệnh Hải quan, văn bản cao nhất cho đến nay vẫn còn hiệu lực, nhân viên hải quan phải kiểm tra toàn bộ lô hàng XNK trước khi cho thông quan. Nhưng thời gian gần đây, trước sức ép của lượng hàng hóa lớn, ngành hải quan đã “liều” thực hiện việc kiểm tra xác suất, và việc này nhận được sự ủng hộ của giới doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Luật Hải quan lần này luật hóa thực tiễn, theo đó có 3 hình thức kiểm tra: Miễn kiểm tra; kiểm tra xác xuất thực tế 10%; kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng.
Điều 30 Dự luật quy định: Miễn kiểm tra áp dụng với chủ hàng có quá trình chấp hành tốt, là hàng XNK thường xuyên, hàng nông sản, hải sản xuất khẩu, hàng XNK của khu chế xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng đưa vào khu vực ưu đãi hải quan… (gọi chung là hàng ưu đãi – cửa xanh). Kiểm tra xác suất 10% áp dụng với hàng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và gia công xuất khẩu, hàng cùng chủng loại… (cửa vàng). Kiểm tra toàn bộ với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc chủ hàng nhiều lần vi phạm… (cửa đỏ).
Xác xuất 10% vẫn còn quá cao?
Đại biểu Lê Viết Dược (Thanh Hóa) cho rằng quy định miễn kiểm tra hoặc chỉ kiểm tra ở xác xuất thấp (10%) dễ dấn đến gian lận thương mại. Đại biểu Nguyễn Viết Sê, không đồng ý hoàn toàn với ý kiến ông Dược, mà chỉ cho rằng khái niệm “thường xuyên” là quá mơ hồ, không rõ ràng. Ngược lại, các đại biểu Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Thiện Nhân lại đặt vấn đề tại sao là 10%. Ông Thanh cho rằng nên để mức 5% vì việc kiểm tra trực tiếp sẽ phải phá bao bì, hủy hàng… làm tăng giá thành. Hơn nữa với mức tăng trưởng xuất khẩu hiện nay 15-20%/năm thì lực lượng hải quan sẽ không kiểm tra xuể và sẽ gây ách tắc trong thủ tục. Đây là vấn đề cần cân nhắc, vì một chuyên gia thủ tục hải quan khi trao đổi với phóng viên VnExpress cho biết, đa số hàng hóa nhập khẩu thuộc diện “cửa vàng”. Ngoài ra, ngay Điều 30 đã quy định mở: nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, hải quan có quyền tăng tỷ lệ kiểm tra. Vậy có cần để ở mức cao thế không?
Ban soạn thảo trả lời: mức xác xuất này rút ra từ kinh nghiệm kiểm hóa hải quan lâu nay và đã cân đối với tỷ lệ “bỏ lọt” gian lận thương mại. Ngoài ra, việc kiểm tra ở tỷ lệ xác suất cụ thể bao nhiêu (có thể dưới 10%) sẽ do nhân viên hải quan quyết định theo nhãn quan, kinh nghiệm và niềm tin của mình với chủ hàng.
Ông Sê có một góp ý đáng quan tâm: “Tại sao không lấy mức thuế làm căn cứ áp dụng các hình thức kiểm tra?”. Những mặt hàng thuế suất 0% thì không cần phải kiểm tra vì không có thuế thì không có buôn lậu. Còn tỷ lệ xác suất thì quy định theo mức thuế suất: thuế càng cao thì phải kiểm tra càng kỹ và ngược lại, có thể đánh giá ở mức xác suất thấp hơn.
Thời hạn “hậu kiểm” là 5 năm, có quá dài?
Điều 32 quy định việc kiểm tra sau thông quan, theo đó trong thời gian 5 năm kể từ khi thông quan, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm với lô hàng, cơ quan hải quan sẽ tiến hành kiểm tra các sổ sách, chứng từ liên quan đến lô hàng và hồ sơ hải quan. Trường hợp cần thiết có thể kiểm tra thực tế hàng hóa.
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Đồng Nai) cho rằng thời hạn này không khả thi: “Trong 5 năm, hàng hóa tiêu thụ hết. Vi phạm nếu có thì xảy ra trong nội địa và đã có cơ quan chức năng khác quản lý. Còn nhiệm vụ chính của hải quan là ở ngay cửa khẩu”. Một vấn đề nữa là liệu lúc hải quan hậu kiểm, các cơ quan thanh tra, công an… có “nhảy” vào không. Ngoài ra, Luật Thương mại có quy định thời hiệu tố tụng thương mại là 2 năm. Do đó nên rút thời gian lại cho hợp với đạo luật này. Các đại biểu Dương Thị Lợi, Dương Công Bá, Trần Thanh Khiêm…
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Nguyễn Đức Kiên đồng lý là hàng hóa đã đem lưu thông thì không còn để kiểm tra nữa. Tuy nhiên, ngành hải quan có lực lượng cập nhật theo dõi hồ sơ của doanh nghiệp, do đó hoàn toàn có thể thực hiện việc hậu kiểm được.
Để làm rõ hơn những nội dung trên đây, phóng viên VnExpress đã trao đổi với một chuyên gia tham gia soạn thảo Luật Hải quan. Anh cho biết, phần hậu kiểm là điểm nhấn quan trọng trong thủ tục hải quan thể hiện quan điểm lấy doanh nghiệp là trung tâm. Nếu trước đây, việc kiểm hóa 100% lô hàng được tập trung ở cửa khẩu đã dẫn đến tình trạng ùn tắc, nhân viên hải quan làm không xuể, thì nay sẽ đơn giản bớt bằng thủ tục “cửa xanh” hoặc “cửa vàng” (hãn hữu mới có “cửa đỏ”), việc hậu kiểm (nếu có) sẽ dàn đều hoạt động kiểm tra ra mọi khu vực, mọi thời điểm (trong thời hạn 5 năm). Có thể ví von: hàng hóa XNK là dòng sông thì thủ tục trước đây đã chặn ngang dòng, nay chỉ “thả lưới” ở các con lạch nhỏ do đó sẽ hạn chế ách tắc.
Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận Luật Hải quan. Nhiều người dự đoán, phần chương IV – phòng chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa ra biên giới sẽ gây nhiêu tranh cãi.
Nghĩa Nhân