Ngày 25/3/1995, Giám đốc doanh nghiệp Châu Ngọc Tuấn, Lê Văn Châu (ở Phước Hậu, Bình Kiến, thị xã Tuy Hoà, Phú Yên), cùng vợ là Đỗ Thị Hoà, lập tờ khai thế chấp tài sản cho chi nhánh Phú Yên để vay vốn. Tài sản thế chấp ghi trong tờ khai là hồ sơ sang nhượng cơ sở trạm thực phẩm với giá trị tự xác định 4 tỷ đồng, kèm theo văn bản ghi rõ giá trị sang nhượng cơ sở này là 99 triệu đồng. Ngày 10/6/1995, Châu Ngọc Tuấn lập dự án sản xuất kinh doanh, thì 4 ngày sau, bà Trịnh Thị Bạch Phượng, cán bộ tín dụng chi nhánh Phú Yên, đã lập xong phiếu thẩm định dự án khống (bởi mãi 1 tháng sau, doanh nghiệp mới có 2 giấy phép xây dựng và chứng nhận sở hữu công nghiệp). Phiếu của bà Phượng xác định: giá trị tài sản thế chấp 3,5 tỷ đồng (thực tế giá trị sang nhượng chỉ là 99 triệu đồng), về tình hình tài chính của doanh nghiệp thì nêu rằng nợ phải trả chi nhánh Phú Yên hơn 2,7 tỷ đồng, nợ phải thu 1 tỷ đồng, hàng tồn kho 1,7 tỷ đồng, nhưng không có trên sổ sách chứng từ chứng minh.
Dựa vào bản thẩm định trên, ngày 15/6/1995, Hội đồng tư vấn tín dụng đã duyệt vượt thẩm quyền, cho Châu Ngọc Tuấn vay 2,8 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng. Hết hạn, doanh nghiệp này chỉ trả vốn được 30 triệu đồng, dư nợ đến cuối năm 1995 còn hơn 2,7 tỷ đồng.
Để hợp thức hoá số dư nợ chưa thu, tháng 2/1996, chi nhánh Phú Yên đã có một “sáng kiến làm nghèo nhà nước” là lập lại toàn bộ hồ sơ thế chấp của Châu Ngọc Tuấn, ghi nâng giá trị tài sản thế chấp từ 3,5 tỷ đồng lên 4,5 tỷ đồng; rồi gửi công văn đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam duyệt cho doanh nghiệp này vay hơn 3,8 tỷ đồng. Được phê duyệt mức cho vay 2 tỷ đồng, lãnh đạo chi nhánh Phú Yên tiếp tục hợp thức hoá khoản 800 triệu đồng phải thu hồi lại do đã cho doanh nghiệp Châu Ngọc Tuấn vay vượt khung, bằng cách chuyển dịch số tiền đó sang hình thức vay cầm cố.
Tuy vậy, chi nhánh Phú Yên vẫn không giải thích được hình thức thể hiện tài liệu chứng cứ chuyển dịch số dư nợ 2 tỷ đồng đã luân chuyển, đáo hạn nhiều lần và khấu trừ trên sổ sách. Đến ngày 31/12/1996 đã quá hạn, Châu Ngọc Tuấn mất khả năng thanh toán gần 2 tỷ đồng. Nếu dùng số tài sản thế chấp đã định giá là hơn 1,4 tỷ đồng khấu trừ, thì cũng vẫn còn thiệt hại nợ gốc hơn 556 triệu đồng.
Cầm cố “ảo”
Chỉ trong vòng một năm (từ 23/11/1995 đến 22/11/1996), doanh nghiệp Châu Ngọc Tuấn đã thực hiện được 29 hợp đồng với tổng giá trị tài sản cầm cố hơn 31,8 tỷ đồng; vay tổng cộng hơn 14,3 tỷ đồng; nhưng mới thanh toán được hơn 10,6 tỷ đồng và còn nợ hơn 3,7 tỷ đồng (chưa tính lãi).
Bà Đỗ Thị Hoà cũng xác nhận: 29 hợp đồng cầm cố trên ngân hàng không hề quản lý. Chỉ duy nhất một lần vào ngày 13/6/1996, để đối phó với đoàn thanh tra, theo chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Xuân Uyên, Phó giám đốc Trung tâm Giao dịch Phú Yên, bà Hoà dồn hết tài sản hàng hoá đưa vào kho niêm phong tại Nhà máy Mì Fu Foon, lập phiếu kiểm định trị giá hơn 5 tỷ đồng. Sau đó được sự đồng ý của bà Phượng, tháng 2/1997, bà Hoà mở kho lấy hàng sản xuất và… bán hết, chẳng còn gì để thi hành án.
Cơ quan Điều tra đã có đủ cơ sở chứng minh việc chi nhánh Phú Yên không đủ điều kiện kho bãi và nhân lực kiểm định, nhưng do cho vay cầm cố mà không quản lý hàng, lại còn thông đồng với doanh nghiệp Châu Ngọc Tuấn ghi khống hàng cầm cố để cho vay, đáo nợ nhiều lần, dẫn đến thiệt hại khoản tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Nhưng chưa biết bao giờ Cơ quan Điều tra mới chính thức khởi tố vụ án, bởi đến nay, câu trả lời vẫn là “vụ việc đang trong quá trình… chuẩn bị khởi tố”.
Trên thực tế, vụ án doanh nghiệp Châu Ngọc Tuấn vỡ nợ đã được đưa ra xét xử tại Toà kinh tế TAND Phú Yên từ tháng 8/1999, với quyết định là phát mại tài sản đã cầm cố, thế chấp để thu hơn 9,3 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 5,759 tỷ đồng và nợ lãi 3,634 tỷ đồng) nợ của doanh nghiệp Châu Ngọc Tuấn. Nhưng khi Phòng Thi hành án tỉnh Phú Yên tổ chức thi hành án, mới “té ngửa” ra rằng số tài sản cầm cố trước đây đã bốc hơi. Phần tài sản thế chấp được Hội đồng định giá trị giá hơn 1,4 tỷ đồng thì đã… bán cho Công ty Lương thực Phú Yên. Ngân hàng đành chịu cảnh xôi hỏng bỏng không, với số nợ gốc và lãi bị thiệt hại lên tới hơn 7,9 tỷ đồng.
(Theo Lao Động)