Cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein. |
“Tôi là một người có kỷ luật. Tôi không thể bỏ đi những nguyên tắc của bản thân để đổi lấy vị trí hiện giờ. Một khi những nguyên tắc của tôi xung đột với vị trí tổng thống, tôi sẵn sàng từ chức để giữ lại những nguyên tắc đó”, ông nói. “Tôi sẽ không ký vào án tử hình Saddam Hussein”.
Tổng thống Talabani là người công khai phản đối án tử hình. Hồi đầu tháng, ông từng từ chối ký vào văn bản tử hình 3 kẻ đã bắt cóc cảnh sát và cưỡng bức phụ nữ Iraq. Điều đó buộc Phó tổng thống Iraq Adel Abdel Mehdi thông qua một hình phạt tương đương: cho phép các nhà hành pháp tra tấn 3 kẻ này cho đến chết. Quyết định này sau đó được Hội đồng Tư pháp Tối cao chấp thuận. Vụ tra tấn dự kiến sẽ tiến hành ở Kut, thành phố cách Baghdad 175 km về phía đông nam, trong vòng vài ngày tới.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc ở Iraq Ashraf Qazi lên tiếng yêu cầu Baghdad không tiến hành vụ tra tấn. Các nhóm nhân quyền ở Iraq tin rằng những vụ tra tấn kiểu này sẽ dẫn tới tiền lệ cho việc xét xử những nhân vật cao cấp trong chế độ cũ bao gồm cả Saddam Hussein.
Trong khi đó, chính phủ Iraq ủng hộ quyết định trên. “Chúng ta đối mặt với một thực tế rằng ở Iraq con người đang chém giết lẫn nhau. Do đó, chúng ta cần có một mức án trừng phạt đối với những kẻ đã thực hiện tội ác đó”, phát ngôn viên chính phủ Leith Kubba cho biết.
Trong suốt chế độ Saddam, những tên tội phạm bị treo cổ. Những binh sĩ không trung thành với chính phủ thường bị xử bắn trước sự chứng kiến của nhiều sĩ quan quân đội.
Saddam hiện bị giam giữ ở nhà tù của Mỹ gần sân bay Baghdad. Một quan chức Iraq từng cho biết Saddam Hussein có thể bị kết án tử hình ngay sau phiên toàn đầu tiên vì vụ thảm sát người Shiite năm 1982 dù ông còn đối mặt với nhiều tội danh khác
Hải Ninh (theo AP)