“Khủng hoảng nhiều mặt không thể vượt qua ngay lập tức… chỉ bằng cách cùng phấn đấu, chúng ta mới có thể dần dần bước ra khỏi một thời kỳ đau đớn”, bà nói trước Quốc hội. Đây là bài diễn văn dài đầu tiên kể từ khi bà Megawati nhậm chức 3 tuần trước, được tường thuật trực tiếp trên truyền hình quốc gia.
Nhà lãnh đạo mới của Indonesia, vốn có tiếng kín đáo, lần này vẫn dừng lại ở chính sách phát triển kinh tế xã hội ở tầm vĩ mô. Bà không nêu rõ các biện pháp lôi kéo các nhà đầu tư trở lại và khôi phục hệ thống ngân hàng. Nền kinh tế Indonesia suy sụp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997, đẩy hàng triệu người của quốc đảo đông dân thứ 4 thế giới này vào vòng khốn cùng. Các nhà phân tích cho rằng có lẽ bà để dành phần kế hoạch phát triển chi tiết cho các chuyên gia kinh tế mới được bổ nhiệm vào nội các. Tháng tới, bà Megawati cũng phải đệ trình dự chi ngân sách ra Quốc hội.
Tổng thống tái khẳng định quyết tâm chống tham nhũng. Bà cho biết đã yêu cầu người thân giữ mình trong sạch và vừa ra quyết định buộc các bộ trưởng kê khai tài sản cá nhân. Bà Megawati hứa tiếp tục chính sách để các vùng xa trung ương tự chủ về tài chính.
Là một người ít nói trước đám đông, bài phát biểu lần này của bà khác xa với lối nói trào phúng của người tiền nhiệm, ông Abdurrahman Wahid.
Bà Tổng thống quyết sẽ tập trung vào những vấn đề cơ bản như luật pháp và trật tự, để người dân Indonesia có thể sống trong cảnh êm ấm. Bà cũng không ngần ngại khẳng định sự cần thiết phải ngăn chặn việc quần đảo này bị chia xẻ. Song song với việc xin lỗi khoảng 6 triệu dân hai tỉnh giàu tài nguyên Aceh và Irian Jaya vì những vụ việc vi phạm nhân quyền do “những chính sách dân tộc bất hợp lý”, bà khẳng định việc trưng cầu dân ý đòi độc lập như ở Đông Timor không thể áp dụng cho các địa phương này. Hai tỉnh này là cột trụ kinh tế của Indonesia, với dầu khí ở Aceh và khoáng sản ở Irian Jaya. Theo Tổng thống, người dân ở đây có thể và nên chấp nhận quyền tự trị đặc biệt, trong khi vẫn đảm bảo được sự thống nhất của Cộng hoà Indonesia.
Bà Megawati cũng đề cập đến vấn đề sửa đổi Hiến pháp, do chính cha bà soạn thảo, để loại bỏ những đoạn còn chưa rõ ràng, nhằm tránh cho đất nước khỏi sa vào tình trạng bất ổn chính trị một lần nữa.
Bài phát biểu của Tổng thống lập tức nhận được lời khen ngợi từ các chính trị gia thế lực và cũng là địch thủ tiềm tàng của bà trong cuộc bầu cử năm 2004. “Tôi hoan nghênh quan điểm của bà. Aceh và Irian Jaya, tất nhiên có thể có được quyền tự trị, cần phải nằm trong khuôn khổ một quốc gia Indonesia thống nhất”, người phát ngôn và đồng thời là người đứng đầu đảng lớn thứ hai trong quốc hội, Akbar Tandjung, nói với các phóng viên.
H.F. (theo SCMP)